Lời ngỏ


Truyện dịch


Truyện ngắn


Truyện thiếu nhi


Nghệ thuật sống


Những bài viết khác


Tạp Bút


Sách


Liên lạc


 

 

 

 

Blog


Tuổi về già với những nỗi nhớ.

Nhị Tường  

25/1/2008

Buổi sáng thức dậy trong cơn mưa rả rích. Với tay lấy cái cellphone để checkmail. Lười ngồi dậy bật máy tính. Một bạn cũ cũng vì cơn mưa phong tỏa đường đi tập thể dục buổi sáng, ngồi điểm lại chuyện xưa viết mail cho mình. Ôi ta, ôi bạn. Đến một lúc nào đó, cứ ngồi mà nhớ lại chuyện xưa là triệu chứng của tuổi già rồi đó.

Để xem bạn ta nói gì nào. “Thời tiết mưa liên miên thế này thiên hạ sẽ buồn nhiều vui ít vì mua bán ế ẩm và sẽ lên cân vì ngủ nhiều”. Ừ ta cũng đang lo như thế đó. Thương cho những người trồng hoa và cũng thương cho thân ta khi càng ngày “mình hạc xương mai” ngày nào đã biến mất đi chỉ còn lại “mình … cọp xương voi” J

Bạn kể ta nghe chuyện mọi người ngoài đó sẽ làm một chuyến đi để kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Ta xao xuyến và nôn nao quá thể. Mới đó mà đã 20 năm rồi sao. Cả một thời gian đủ cho một thế hệ khác sau chúng ta trưởng thành và làm nên bao nhiêu chuyện. 20 năm cũng như một phần ba cuộc đời con người. Sau 20 năm thì Thúy Kiều chắc cũng có một đứa con 5 tuổi để ẵm bồng nựng nịu nếu quá trình làm lại được cuộc đời được suôn sẻ…

Các đây 20 năm, chúng ta gặp nhau lần đầu, nghi ngại, e dè. Nhìn bề ngoài thì có lẽ chúng ta lúc đó rất ngây thơ, nhưng ai nấy đều cố tạo ra cho mình một dáng vẻ “trưởng thành”. Tuổi đôi mươi mà. Hiên ngang và bất khuất. Sau 20 năm, có lẽ chúng ta đã già nhiều, trưởng thành nhiều hơn nhưng lại thiếu đi phần “hiên ngang và bất khuất” như thuở đó phải không. Ừ, có thể, lúc nào đó, mình có lần nói: ta sống hèn thật! Nhưng, không sao, cố gắng lên…. Chỉ biết nói vậy.

Bạn nói Thùy Linh trúng số độc đắc 10 tờ? Ừ, may mắn thật. Ta chợt nhớ đến con bé tóc dài quá eo thật duyên dáng ngày xưa mà 20 năm nay dường như ta chưa từng nhớ lại. Đang đi học, ở nhà bắt con bé về lấy chồng. Rồi sau đó một tuần, con bé quay trở lại trường. Hình như lúc đó trong khu nội trú có làm một cuộc “phỏng vấn” nhỏ, nhưng con bé chỉ đỏ mặt và không tiết lộ gì. Phải không? Bây giờ, “con bé” có còn thon thả nhỏ nhắn và e lệ như xưa? Mua một lần 10 tờ giấy số thì chắc là con bé có một "quyết tâm thắng đậm" rồi. Như ta thì mỗi lần mua chỉ 1 tờ, để ủng hộ cho ai đó được thuận duyên kiếm sống trong một ngày và cũng luôn quên dò.

Nhân câu chuyện này, ta nhớ ngày đó khi lần đầu tiên chúng ta bước vào phòng Thực Hành Bệnh Viện. Thấy trong phòng có chiếc xe lăn, ai nấy đều ngại ngùng không dám đụng đến. Thật là trẻ thơ. Cứ như đụng đến nó là một điềm sẽ có chuyện xui xẻo cho mình. Vậy mà mấy ngày sau, khi đứng mỏi chân quá, đứa nào cũng giành ngồi lên chiếc xe lăn đó. Mà hồi đó, hình như bạo dạn nhất là Đồng, đã tiên phong ngồi lên chiếc xe, lại còn lấy tay lăn tới lăn lui. Rồi lần đầu tiên chúng ta thấy một mô hình cơ thể không y phục được đắp một tấm drap trắng. Bọn con trai, con gái làm ra vẻ thản nhiên nhìn như không nhìn. Những ánh mắt kín đáo liếc trộm nhau. Thế rồi, đến khi cô The giở tấm drap ra để lộ “bửu bối” của 2 mô hình nam và nữ. Ta có cảm giác tất cả mọi đứa đều nín thở, ngay cả những đứa con trai nghịch ngợm nhất như Trí Hiếu, Đồng… cũng đỏ mặt nín lặng. Một sự im lặng chưa bao giờ từng có im lặng đến như thế trong một lớp học trên 30 người. Ôi cái trinh nguyên của tuổi thanh xuân cuối cùng được phá vỡ bằng một tiếng cười khúc khích rồi rộ ào lên. Thế là từ đó chúng ta đã được rèn luyện cho “dạn dĩ” đến nỗi ai cũng tuyên bố, sau này chẳng thèm lập gia đình với người làm ngành y, “mất cảm xúc” quá. Tuy nhiên, có lẽ sau này lớn hơn một chút chúng ta có những suy nghĩ khác hơn. Phải vào trong phòng mổ mới thấy để giành giật sự sống cho một con người không phải là điều đơn giản. Phải vào khoa sản mới biết một sinh linh muốn chào đời trong niềm hạnh phúc thì cả mẹ lẫn con đều cùng phải được một nhân duyên tuyệt vời từ người bao nhiêu người góp lại: bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, bệnh phòng…nếu không thì ca sinh nở sẽ trở thành ác mộng muôn đời đối với phụ nữ. Mong rằng tất cả những người bạn của ta, nhất là những ai vẫn còn theo đuổi theo nghề y, sẽ sống với một tấm lòng vì mọi người mà “hành hiệp”.

Ta lại miên man quá rồi. Ta đang bước vào, hay đã bước vào tuổi già rồi. Với một thiền giả thì khi một niệm, một ý nghĩ nào chợt hiện đến ta không kiềm nén xua tan nó, cứ để nó đến rồi đi, và ta cũng không nuôi dưỡng nó, bởi vậy, ta chỉ nghĩ đến đây, chỉ viết đến thế, cũng như hồi âm bức thư cho bạn vậy.

Nhân một mùa xuân mới sắp đến, chúc cho bạn, cho ta, và cho những người bạn ngày xưa, luôn được hồn nhiên trong bất cứ lứa tuổi nào, những năm tháng nào của cuộc đời.

25/1/2008

 


blog

http://360.yahoo.com/diemtuyet40


Home

Khởi đăng: 11/3/2007 - Cập nhật: 4/12/2007