Mấy ngày
nay các báo đăng tải tin tức về em bé Đỗ Ngọc Bảo Trân 18 tháng tuổi, vì
khóc nhiều quá nên bị cô bảo mẫu dán băng keo vào miệng, gây hôn mê sâu. Đọc
bản tin này tôi không khỏi lạnh người và bật khóc. Nước mắt ứa ra, gây ngạt
mũi, tôi càng thương cho em bé hơn. Em đã phải bị ngạt đường thở và không có
khả năng há miệng ra để thở phụ, có lẽ em phải oằn oại lắm.
Đối với
một đứa trẻ không biết nói, khóc là ngôn ngữ duy nhất để đưa ra một đòi hỏi
với người lớn. 18 tháng tuổi là bé đã biết cười khi nhìn thấy mẹ, khi được
người thân ẵm bồng, khi được cầm những đồ chơi lúc lắc, trống rung… Khi em
bé khóc, người ta có thể biết em khó chịu trong người, có thể em bé đói
bụng, có thể em bị ướt lạnh… Các bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh qua tiếng
khóc của em bé, nên chi việc dán miệng cho khỏi khóc là điều không bao giờ
có thể được làm đối với một em bé. Ngay cả người lớn chúng ta, cực chẳng đã
vì bụi bặm khi đi ra đường phải mang khẩu trang, nhưng đã thấy khó chịu lắm
rồi, huống chi một em bé, có làn da non nớt phải tiếp xúc với một loại hoá
chất keo dính trong miếng băng keo dán vào miệng. Nếu không xảy ra việc gì
thì cũng phần nào tổn thương lớp da quanh môi.
Tôi nhớ
đến cách đây gần hai mươi năm, con gái đầu lòng của tôi lúc 9 tháng tuổi
thường hay khóc đêm. Ban ngày cháu vẫn chơi đùa, nhưng khi say ngủ ban đêm
thì lại khóc. Khi ấy tôi thường bế con lên và nó lại ngủ say, nhưng đặt
xuống giường thì lại khóc. Nhiều người mách bảo phải kiếm bùa, hoặc vì có
người khuất mặt nào đó chọc ghẹo nên con nít mới khóc đêm. Nhưng qua nhiều
đêm phải ôm con ngủ ngồi, tôi mới hiểu ra là do ngạt mũi nên bé khó chịu, và
khi được bế theo thế đứng, thì bé dễ dàng thở được.
Một chị
bạn của tôi khi mới ra trường ngày đầu tiên đi làm ở nhà trẻ, đúng vào lúc
trường mới nhập học nên trẻ mới vào khóc ỏm tỏi. Chị dỗ hoài không nín, một
cháu khóc nhiều cháu khóc theo. Chị sợ hãi nên bật khóc ngon lành trước mắt
bao nhiêu trẻ, thế là các cháu ngạc nhiên không biết vì sao cô giáo khóc,
nên chúng nín khóc ngồi im lúng túng nhìn cô giáo. Kỷ niệm đó ăn sâu trong
đời đi dạy của chị, kỷ niệm đó cũng có thể sẽ khắc vào ký ức non trẻ của
những đứa bé ngây thơ, qua đó chúng ta có thể biết được rằng trẻ em dù nhỏ
bao nhiêu vẫn có những suy nghĩ.
Khóc
chính là lời nói, là quyền làm người của một đứa trẻ. Chúng ta phải lắng
nghe quan sát và thấu hiểu khi em bé khóc.