Lời ngỏ


Truyện dịch


Truyện ngắn


Truyện thiếu nhi


Nghệ thuật sống


Những bài viết khác


Khám phá cuộc sống


Tạp Bút


Sách


Liên lạc


 

 

 

 

Khám phá cuộc sống


 

Du lịch

HỒ ĐẠI LẢI

 

Đối với người Hà Nội, địa danh Đại Lải không xa lạ gì, nhưng với người miền Nam, có thể có người chưa hề biết. Thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, Đại Lải nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km. Từ Hà Nội đi theo đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, chưa đến sân bay Nội Bài, rẽ đường đi Vĩnh Phúc, đến thị trấn Xuân Hòa, từ đây đến Đại Lải khoảng 6km.

Đây là một thung lũng được bao bọc bởi vòng cung của dãy núi Tam Đảo và Đại Lải nằm trên một phần của núi Mỏ quạ (từ trên cao nhìn xuống núi này ngọn núi này giống như một chiếc khăn mỏ quạ), ngày xưa là nơi ngụ cư của dân tộc Sán Dìu di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đại Lải, theo tiếng của dân tộc Sán Dìu có nghĩa là hồ lớn. Cũng có người giải thích Đại Lải là một luồng nước lớn. Người ta còn đặt một giả thuyết là có một dòng nước lớn chảy ngầm dưới lòng đất. Năm 1959, một công trình thủy lợi ngăn chặn hai đầu luồng nước này thành hồ phục vụ cho nông nghiệp, gọi là hồ Đại Lải, với sức chứa khoảng 10 triệu m3 nước. Hồ Đại Lải có dạng lòng chão, nước càng cao thì hồ càng rộng. Hồ Đại Lải nằm dưới chân núi Thằn Lằn, một ngọn núi có hình dáng giống như hai con thằn lằn giao nhau, mà người dân địa phương thường gọi là “lưỡng long tranh ngọc”, với truyền thuyết về hai con thằn lằn dành nhau một viên ngọc để cuối cùng viên ngọc này rơi xuống tạo thành xã Ngọc Thanh nằm bên kia hồ Đại Lải (huyện Mê Linh có ba xã : Cao Minh, Trung Mỹ và Ngọc Thanh - bên trong Ngọc Thanh ngày xưa là an toàn khu) và một dãy núi chạy dài nối tiếp nhau, người ta gọi dãy núi này là dãy núi voi, nhìn từ xa giống như một đàn voi nối đuôi nhau đi về hướng Tây Thiên.

Năm 1964, rừng được trồng ở Đại Lải, nhưng sau đó đã bị phá sạch, mãi đến năm 1984, rừng mới được trồng lại và năm 1987 Đại Lải được đưa vào khai thác du lịch. Tại đây, còn tồn tại một số ít cây rừng to lớn trồng từ trước, còn lại là những cây rừng mới với hai loại cây chủ đạo là thông và tràm. Đặc biệt ở đây có những cây keo lá tràm có lá thật to mà ở những nơi khác ít thấy.

Khu du lịch Đại Lải nằm trên một ngọn đồi, với một hệ thống nhà nghỉ và một bưu điện (không có nhà dân). Tại đây còn có một nhà nghỉ đặc biệt dành cho các vị lão thành cách mạng. Tại Đại Lải, mùa du lịch bắt đầu từ tháng tư đến tháng chín. Từ sau tháng chín là mùa rét, khách thưa thớt dần, chỉ thích hợp cho các cặp tình nhân tạm xa rời chốn phồn hoa, hay hưởng tuần trăng mật. Vào mùa hè, hồ Đại Lải là nơi vui chơi của phần đông thanh thiếu niên. Với chu vi khoảng hơn 10km, hồ Đại Lải nước trong xanh mát. Tại đây có các dịch vụ bơi thuyền, đạp nước, đi thuyền qua bên đảo. Ở chính giữa hồ có một hòn đảo nhỏ, gọi là Đảo Cò, bởi ngày xưa vào mùa đông cò bay về đậu ở đây rất nhiều, có người còn gọi là đảo ngọc. Đảo Cò là một hòn đảo nhỏ, dày đặc cây rừng. Tại đây, những ngày thứ bảy, chủ nhật rộn ràng khách du lịch đến đây, cắm trại. Những đống lửa thật to sẵn sàng được nhóm lên để quay nguyên một con heo hay từng chuỗi gà vịt xiên qua một thanh tre thật dài được nướng lên. Những dịch vụ này đều có sẵn cho khách chọn lựa. Thơ mộng hơn, đôi bạn trẻ có thể thuê một con vịt đạp nước, cùng nhau đạp đến một mô đất nhỏ nào đó, mượt mà cỏ xanh ở giữa hồ và tha hồ tâm tình, chẳng sợ bị ai quấy rầy.

Đại Lải hiện nay là một khu du lịch thu hút được nhiều khách từ Hà Nội và các vùng lân cận. Đến Đại Lải nghỉ ngơi trong hai ngày cuối tuần, hưởng trọn vẹn không khí trong lành của rừng, của nước và một không gian yên tĩnh gần như tuyệt đối. Buổi sáng có thể tha hồ vẫy vùng dưới làn nước thật trong xanh mát, buổi chiều có thể ngồi tĩnh lặng ngắm mặt hồ in soi bóng núi, mơ màng nhìn xa xa dãy núi voi trông như một đàn voi nối tiếp nhau. Đất, trời, mây, nước và cây rừng hòa thành một khối, buổi tối có thể đi dạo một vòng quanh hồ, cũng có thể là đi bộ lên hết một vòng con dốc từ khu vực nhà nghỉ đến cửa thoát nước và vòng xuống con đường quanh hồ, vừa đủ mỏi chân là về đến nhà nghỉ để có thể ngủ một giấc thật sâu, phục hồi sức khoẻ chuẩn bị cho một tuần làm việc kế tiếp khi trở về phố. Tại đây cũng là nơi lý tưởng cho các bạn trẻ có những buổi sinh hoạt ngoài trời rất lý thú : cắm trại, đốt lửa trại, bơi thuyền ….

Với địa hình đồi núi dốc và hồ lòng chảo, Đại Lải còn là nơi tập chạy địa hình của một số đoàn khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Đặc biệt, tại đây có một nhà sáng tác dành riêng cho văn nghệ sĩ nằm vị trí biệt lập và cao nhất khu vực. Nhà sáng tác Đại Lải là nhà sáng tác được xây dựng đầu tiên trong hệ thống nhà sáng tác của Bộ Văn Hóa, gồm có một ngôi nhà hai tầng nằm ở vị trí cao nhất và 5 biệt thự (đã cũ) nằm rải rác bên dưới. Với một không gian thật yên tĩnh, gần như tuyệt đối và một cảnh quan rất đẹp, ngồi trong phòng, các nhà văn, nhà thơ chỉ cần kéo tấm rèm cửa là một bức tranh thật đẹp sẽ hiện ra trước mặt, trời xanh, mây trắng chập chờn trong những tán lá cây rừng, những cây thông non thật gần trước mắt, tiếng chim hót, những đôi bướm đủ màu sắc sặc sỡ chập chờn bay lượn, cảm xúc sẽ tha hồ tuôn trào ra theo mạch viết.

Thanh Tuyền  

 

 

>>>Khám phá cuộc sống<<<


Home

Cập nhật: 7/2/2007