Lời ngỏ


Truyện dịch


Truyện ngắn


Truyện thiếu nhi


Nghệ thuật sống


Những bài viết khác


Tạp Bút


Sách


Liên lạc


 

 

 

 

Blog


 

 

Một ngày của mẹ.

 

on Thursday, August 30, 2012 at 8:36am ·

 

Trên nửa thế kỷ, ngày của mẹ luôn bắt đầu với cái ấm nước. Mẹ sẽ bắc ấm nước lên bếp, bật cái tivi xem chương trình du lịch các địa danh nổi tiếng trên thế giới, rồi chờ đến khi ấm nước hú. Mẹ gọi tiếng hú đó là “còi a-lẹc”. (Những ai đã từng sống trong thời Pháp thuộc rất quen thuộc với từ “còi a –lẹc” này ^^). Châm nước sôi vào phích. Pha một ly cà phê, một bình trà. Xem nốt chương trình du lịch trên ti vì hay thời sự đầu ngày.

“Người bạn” tiếp theo của mẹ là cây chổi. Sau khi cầm cây chổi đi “vài đường cơ bản” trước hiên nhà cho nóng người, vãi những hạt cơm nguội cho lũ chim sẽ, mẹ sẽ bắt đầu cuộc hành trình đi bộ 700 mét về ngôi nhà cũ, trên đường đi mẹ sẽ ghé sạp báo mua một tờ Tuổi Trẻ. Không hiểu sao mẹ không mua tờ Thanh Niên, mặc dù có được bất cứ tờ báo nào là mẹ cũng sẽ đọc không sót một dòng quảng cáo. Có lẽ hai chữ Tuổi Trẻ sẽ làm cho một người “thất thập cổ lai hy” cảm thấy dễ chịu khi nghĩ mình vẫn còn trẻ chăng. “Thanh Niên” thì có vẻ năng động quá, không hợp với mẹ.

Về đến ngôi nhà cũ thì mẹ thắp một cây nhang trên ban thờ, thì thầm một điều gì đó với ba. Thường khi là những lời cầu nguyện cho các con, các cháu được bình an, học giỏi. Rồi lại cầm cây chổi đi vài đường cơ bản...

Việc cầm chổi của mẹ cũng giống như giờ đọc báo đầu ngày của cơ quan, giờ giao ban nơi bệnh viện, đó là lúc mẹ giao tiếp với mọi người. Mẹ sẽ cầm cây chổi quét con hẽm nhỏ trước nhà, quét dùm hoa giấy rụng đầu ngõ, nghe tiếng chào từ hàng xóm. Bà Tư đi thể dục về rồi hở. Bà Tư khỏe hông bà Tư. Bữa nào bà Tư về là đường sạch tưng. Một cô bé nhà bên cạnh được ba mẹ chở đi nhà trẻ ra khoanh tay. Con chào bà Tư. Lần nào mẹ cũng trả lời. Con nói gì mà tai bà điếc, bà không nghe gì hết. Cô bé sẽ hét thật to. Con chào bà Tư. Mọi người xung quanh đều cười vì cái sự ngây thơ dễ thương của cô bé.

Tưới xong những chậu cây quanh hàng rào, mẹ sẽ bắc cái ghế trước nhà ngồi đọc báo, nhưng thật ra là ngồi chờ “khách biên đình sang chơi” (“Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi” là câu mẹ thường đón chào những người bạn già ghé ngang). Đoàn quân đi bộ ra biển trước đây đã tan rã, vì giờ đây, người thì ra đi không hẹn ngày về, người còn ở lại thì không đủ sức đi ra đến  biển. “Khách biên đình” của mẹ chỉ còn một đôi người, và có khi chỉ là những chị bán rong hoặc chị mua chai bao ghé ngang bóng mát nghỉ chân, xin mẹ miếng nước, có khi là trái chuối, củ khoai lang và kể câu chuyện đời họ cho mẹ nghe, những câu chuyện không bao giờ có cái kết như cổ tích. Chủ đề câu chuyện của “khách biên đình” luôn là đề tài đau lưng, nhức khớp, tiểu đường, huyết áp, các loại thuốc uống, các loại lá lẩy trái cây hoặc thức ăn nên ăn hay không ăn, chỗ nào có ông thầy hay, chỗ kia có bác sĩ giỏi. Khách biên đình mắt mờ  hoặc không biết chữ thì thích nghe mẹ phổ cập những câu chuyện mẹ đọc được từ trên báo. Những tin họ ít thích nghe nhất (nhưng luôn hỏi rất chi tiết) đó là tin một bạn già nào đó kết thúc hành trình cuộc đời.

Không biết từ đâu, có một con ốc đến làm bạn với mẹ. Con ốc to hơn nửa bàn tay, sống lẩn quất dưới những chậu cây quanh giếng. Mỗi sáng trước khi mẹ mở cửa, mẹ đều hỏi. Ốc đâu rồi, ra đây coi. Thế là sau khi hoàn tất xong những công việc lại thấy ốc ta chui ra khỏi những chậu cây. Có lẽ nó nghe tiếng mẹ từ lâu, nhưng phải đi một đoạn đường khá dài nên mất gần cả tiếng mới xuất hiện. Có hôm trời mưa to nước ngập sân, ốc phải leo lên bò men theo bờ tường rào, mẹ rất lo lắng sợ con mèo chụp hoặc đứa nào bắt mất. Hôm sau mẹ về kêu ốc ơi, ốc hỡi, thì nó lại từ trong chậu bò ra. Lũ trẻ nhỏ thì thích thú khi nghe mẹ nói biết đâu ngày nào đó một nàng tiên từ trong con ốc bước ra. Thật lẩm cẩm, mẹ sớt cho ốc chút đồ ăn sáng mẹ mang theo. Khi thì chút bánh ướt, khi thì chút bánh bơ mẹ nạo vụn ra, đặt trên chiếc lá cho ốc. Tôi hỏi mẹ thế ốc có ăn không? Mẹ nói thấy cũng vơi chút chút. Mẹ cứ thế, rất hào phóng thức ăn mà không biết đối tượng của mình có tiêu thụ được không, có hết không. Mẹ rải cơm trước sân cho chim sẻ thường rất nhiều, đến tối thì lại có lũ gián, thằn lằn và chuột chui ra kế thừa. Tôi phàn nàn những con chim sẻ có chút xíu sao mẹ rải nhiều thế. Mẹ trả lời: cho tụi nó ăn no về rồi còn về tổ sú cho con nó ăn nữa chớ.

Từng ngày của mẹ cứ giản dị trôi qua như thế, với những người bạn biết nói và không biết nói. Không gì hơn, tôi cũng chỉ mong như thế mãi mãi.

 

 


 


blog


Home

Khởi đăng: 11/3/2007 - Cập nhật: 2012